post-title

Bé bị ho và nôn trớ. Phải làm sao giờ?

Trong thời gian mẹ đang cho bé bú, bé bị ho và nôn trớ là tình trạng quen thuộc của nhiều gia đình. Baby Billy sẽ trang bị cho mẹ những kiến thức về ho và nôn trớ của trẻ trong thời kỳ này nhé!


Ho và nôn trớ có thể là dấu hiệu của bệnh lý

🤮Ho

Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể xảy ra khi đường thở có vật lạ hoặc dịch tiết ứ đọng nhiều. Phản xạ ho giúp bé làm thông đường thở và cải thiện hệ hô hấp. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bé ho kèm theo dấu hiệu sốt, khò khè, thở nhanh, khó thở, mẹ nên đưa bé đi kiểm tra với bác sĩ ngay vì bé có thể đang bị viêm họng, viêm phế quản, viêm phế quản phổi,..🫁. 

🤮Nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng đẩy ngược chất có trong dạ dày lên miệng. Có thể do bé ăn quá no, thay đổi tư thế đột ngột như rướn mình hay vặn mình sau khi ăn, bé bắt đầu nôn. Trong trường hợp này, bé nôn trớ không phải là bệnh lý, mà do sai lầm về cách cho trẻ ăn.😯

Đôi khi, nôn trớ cũng là biểu hiện của bệnh về hệ tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, viêm ruột, hoặc các bệnh về hệ thần kinh như viêm màng não, viêm não. Bé cũng có thể nhiễm bệnh về hệ hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản. Nếu mẹ thấy bé nôn tất cả mọi thứ, không tăng cân, kém ăn, sốt, mệt, quấy khóc, đi vệ sinh lỏng, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ kiểm tra ngay nhé.👩‍⚕️


Nguyên nhân khiến bé bị ho và nôn trớ

🤮Bệnh về đường hô hấp

Các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản,... thường do virus, vi khuẩn, nấm gây ra.🦠 Bé còn nhỏ, miễn dịch đang còn non nớt, khả năng nhiễm bệnh càng cao và xu hướng diễn biến nặng hơn so với trẻ lớn.

🤮Bệnh về đường tiêu hóa

Trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, viêm tắc ruột là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nôn trớ ở trẻ. Sai lầm trong cách cho bé ăn cũng dẫn đến tình trạng này. 

Mẹ cho bé bú không đúng cách, ép trẻ ăn, cho bé ăn quá no, bé sẽ càng sợ thức ăn và càng sợ không muốn ăn. Mẹ lưu ý không cho bé ăn quá no, sau ăn nên bế trẻ ở tư thế đầu cao và vỗ nhẹ lưng để bé ợ hơi, không nên đặt bé nằm xuống ngay sau ăn để giảm tình trạng nôn trớ sau ăn.😋

🤮Bệnh hiếm gặp khác

Một số tình trạng bệnh hiếm gặp khác như viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn huyết rất ít gặp, tuy nhiên nếu gặp thì thường rất nặng và nguy hiểm. Nếu bé có ho, nôn vọt kèm theo sốt cao, co giật, li bì, khó đánh thức, mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để có thể điều trị kịp thời.🏥


Hướng dẫn mẹ chăm sóc bé bị ho và nôn trớ

🤮Giữ ấm cho bé

Mẹ nên cho bé mặc quần áo đủ ấm, không để điều hòa trong phòng quá lạnh, đặc biệt vào buổi đêm và gần sáng. Trời mùa đông lạnh, mẹ nên giữ ấm cổ và ngực bố bằng cách quàng khăn, đeo khẩu trang, đeo găng tay.☃️

🤮Tăng cường sức khỏe cho bé

Mẹ cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng, đa dạng về thực phẩm giúp bé sức khỏe tốt và hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh. Mẹ nên khuyến khích cho bé ăn nhiều hoa quả, hoặc uống nước hoa quả để cung cấp vitamin và lượng nước cần thiết trong ngày.🍓

🤮Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

Dạ dày bé còn nhỏ, vị trí dạ dày nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu. Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để dạ dày bé tiêu hóa nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn, giúp bé tránh bị nôn trớ ra ngoài. Mẹ nên chọn đồ ăn dễ tiêu, dễ nuốt, mức độ lỏng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.👪

🤮Thay đổi chế độ ăn

Ép bé ăn chỉ gây tác dụng ngược làm bé sợ đồ ăn và nôn trớ nhiều hơn. Mẹ nên cho bé ăn với lượng vừa đủ, nấu đồ ăn với độ loãng hay đặc hợp lý vào từng giai đoạn phát triển, không cho bé nằm hay đi ngủ ngay sau khi ăn.🛏️


Chú ý khi bé bị nôn

Nếu bé bị nôn, mẹ lưu ý để bé ngồi nghiêng đầu ra phía trước hoặc nằm nghiêng để tránh làm đồ ăn rơi vào khí quản. Tuyệt đối không bế xốc bé khi đang nôn, dịch nôn sẽ tràn vào đường thở gây khó thở, suy hô hấp nguy kịch cho bé.🙅‍♀️

Khi nôn xong, cơ thể bé thường mất rất nhiều nước. Mẹ nên bổ sung nước cho bé để bù lại chất điện giải bị mất bằng oresol, nước lọc hay trái cây loãng. Mẹ cho bé uống từ từ ít một nhé ạ.🌊